1. Các cận lâm sàng hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn
- Cận lâm sàng bao gồm tất cả các phương pháp dùng máy móc để đánh giá các chỉ số sinh học, sinh lý, hình thái, chức năng, bệnh lý… của cơ thể người như Xét nghiệm, Siêu âm, Điện tim, Điện não, Nội soi, X quang, CT Scan, MRI, Giải phẫu bệnh…
- Các phương tiện Cận lâm sàng có giá trị rất cao giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh lý
- Có tính khách quan
- Khảo sát, đo lường… sâu bên trong cơ thể
- Có các con số cụ thể được đưa ra
Một số ví dụ cụ thể:
- Xét nghiệm máu là cần thiết và gần như bắt buộc để bác sĩ chẩn đoán được một người bệnh bị sốt là sốt siêu vi, có nhiễm trùng hay không, có sốt xuất huyết hay sốt rét hay không.
- Trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Đái tháo đường có xét nghiệm đường huyết đói, HbA1c.
- Trong tiêu chuẩn chẩn đoán Nhồi máu cơ tim có điện tâm đồ và xét nghiệm men tim.
- Chụp CT sọ não là gần như bắt buộc nếu có chấn thương đầu nguy cơ tổn thương não.
- Một bác sĩ không thể kết luận ai đó bị suy thận hay bị rối loạn mỡ máu nếu không có xét nghiệm máu.
2. Các cận lâm sàng giúp bác sĩ điều trị tốt hơn
- Thông số các cận lâm sàng mang lại giúp chẩn đoán được mức độ bệnh, giai đoạn bệnh để điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
- Những chỉ số cận lâm sàng thường quy cũng là căn cứ để điều trị cho một căn bệnh khác.
Ví dụ:
- Xét nghiệm số lượng bạch cầu tăng trong bệnh nhân sốt giúp gợi ý chẩn đoán nhiễm khuẩn, và số lượng bạch cầu càng cao thì khả năng nhiễm khuẩn càng nặng.
- Kích thước viên sỏi thận qua siêu âm cho phép bác sĩ có phương pháp điều trị hợp lý như thuốc uống, tán sỏi ngoài cơ thể hay phẫu thuật.
- Các thông số trong hô hấp ký giúp bác sĩ đánh giá mức độ hạn chế hay tắc nghẽn thông khí trong phổi và đường thở.
- Chỉ số men gan, chức năng thận cho phép bác sĩ đánh giá khả năng hấp thu và đào thải thuốc trong cơ thể mà cho liều lượng phù hợp.
3. Các cận lâm sàng giúp bác sĩ theo dõi và tiên lượng bệnh
- Rất nhiều căn bệnh diễn tiến kéo dài và có thể nặng hơn, nên bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả cận lâm sàng liên quan để đánh giá hiệu quả điều trị và tiên lượng diễn tiến tiếp theo của căn bệnh.
Ví dụ:
- Bệnh đái tháo đường là mãn tính suốt đời, bác sĩ sẽ căn cứ vào đường huyết đói hay HbA1c đo được mỗi khi tái khám để chỉnh liều thuốc cho phù hợp, và đánh giá nguy cơ biến chứng của người bệnh.
- Hình ảnh mạch máu thấy được qua nội soi dạ dày giúp cho bác sĩ tiên lượng khả năng chảy máu dạ dày tái phát là nhiều hay ít mà điều trị hợp lý hơn.
- Nồng độ virus viêm gan B trong máu giúp bác sĩ theo dõi đáp ứng của thuốc kháng virus sử dụng, cũng như đánh giá được thời gian điều trị bệnh viêm gan siêu vi B là bao lâu.
4. Cận lâm sàng giúp bác sĩ tìm ra những bệnh chưa biểu hiện:
- Có những lúc người bệnh được kiểm tra cận lâm sàng thường quy nhưng được phát hiện những căn bệnh sớm.
Ví dụ:
- Bệnh nhân xét nghiệm công thức máu được phát hiện có bệnh bạch cầu cấp.
- Bệnh nhân kiểm tra X quang thường quy phát hiện khối u ở phổi.
- Bệnh nhân siêu âm tổng quát phát hiện gan nhiễm mỡ nhiều.
5. Các cận lâm sàng giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ mắc bệnh của người thân trong gia đình
- Nhiều căn bệnh có tính di truyền hoặc lây nhiễm cao trong gia đình, nên một người mắc bệnh thì khả năng nhiều người khác cũng bị.
Ví dụ:
- Người chồng bị phát hiện nhiễm virus viêm gan B thì người vợ cũng nên kiểm tra có nhiễm virus này hay không nếu chưa tiêm ngừa.
- Một người nội soi đại tràng bị đa polyp thì những người có quan hệ huyết thống cần phải nội soi kiểm tra để điều trị sớm, ngăn ngừa ung thư đại tràng.