Tiêm phòng 2 loại vaccin cùng lúc có nguy hiểm gì không?

Tiêm phòng 2 mũi cùng lúc hoặc nhiều mũi cùng lúc không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và giúp trẻ phòng bệnh sớm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn cần tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm và liều tiêm được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.

1. Tiêm phòng đầy đủ đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối ưu

Tiêm chủng là việc sử dụng vắc-xin nhằm mục đích kích thích cơ thể sản sinh miễn dịch chủ động và đặc hiệu để chống lại các bệnh truyền nhiễm. Những trẻ nhỏ không được tiêm chủng có nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm rất cao, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, có những bệnh truyền nhiễm sẽ để lại di chứng suốt đời, thậm chí gây tử vong.

Hầu hết những người được tiêm chủng đều được bảo vệ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Do vậy, tiêm vắc-xin chính là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Và đó là lý do các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

2. Tiêm 2 mũi vắc-xin cùng lúc có ảnh hưởng gì không?

Để tiêm ngừa vắc-xin hiệu quả, cần tuân thủ nguyên tắc tiêm phòng sớm, đúng lịch và đủ mũi. Việc tiêm phòng đầy đủ cho trẻ ngay từ khi mới chào đời sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ, giảm nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

2.1 Lợi ích của việc tiêm phòng 2 hoặc nhiều mũi phối hợp cùng lúc

Có lúc trẻ cần được tiêm phòng nhiều bệnh cùng lúc, có thể lên tới 5 – 6 bệnh. Để hạn chế việc phải đi lại, tiêm phòng nhiều lần, các nhà sản xuất vắc-xin đã phối hợp 5 – 6 bệnh trong 1 mũi một cách an toàn và hiệu quả. Trong trường hợp trẻ bị trễ mũi tiêm, khi có dịch bùng phát, bác sĩ có thể tư vấn để bé được tiêm ngừa đầy đủ và càng sớm càng tốt. Cơ thể trẻ có khả năng tiếp nhận nhiều kháng nguyên cùng lúc nên không có giới hạn tối đa số mũi chích cùng một lúc. Việc tiêm phòng 2 hoặc nhiều mũi vắc-xin cùng lúc sẽ tận dụng tối đa cơ hội được tiêm phòng của trẻ, giúp trẻ được phòng bệnh sớm và hiệu quả hơn.

Lợi ích khi tiêm phòng 2 hoặc nhiều mũi cùng lúc là:

  • Bảo vệ trẻ tốt hơn: Trẻ càng nhỏ càng dễ nhiễm bệnh và mắc bệnh nặng nên việc tiêm ngừa nhiều mũi từ sớm sẽ giúp bảo vệ bé tốt hơn. Bên cạnh đó, việc tiêm nhiều mũi một lần giúp bé giảm đau, giảm quấy khóc và giảm số lần sốt sau tiêm nếu có. Đồng thời, tiêm nhiều mũi cùng lúc cũng đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng đúng lịch, hạn chế tình trạng tiêm muộn hoặc bỏ mũi do cha mẹ quên lịch hoặc trẻ bị ốm khi đến thời điểm tiêm phòng;
  • Tiết kiệm thời gian cho cha mẹ: Việc tiêm phòng 2 hoặc nhiều mũi một lần cho trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh giảm thời gian đi lại và chăm sóc theo dõi sau mỗi lần tiêm chủng;
  • Tiết kiệm chi phí: Hầu hết các đơn vị tiêm phòng vắc-xin đều thu tiền khám sàng lọc trước tiêm. Đi kèm với đó là tiền đi lại đưa trẻ đi tiêm. Do vậy, việc tiêm nhiều mũi trong một lần cho trẻ cũng giúp cha mẹ tiết kiệm nhiều chi phí.

2.2 Tiêm phòng nhiều mũi cùng lúc có an toàn không?

lam-gi-neu-tre-so-sinh-xet-nghiem-am-tinh-voi-virus-viem-gan-b-sau-2-lieu-vac-xin-hoan-chinh-1
Tiêm cùng lúc nhiều loại vắc-xin không gây hại hay ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ

Các nghiên cứu khoa học và thực tế đều có chung kết luận việc tiêm cùng lúc nhiều loại vắc-xin hoàn toàn không gây hại hay gây ra các phản ứng tiêu cực ở trẻ. Việc tiêm đồng thời các vắc-xin sẽ tạo nên đáp ứng miễn dịch và các phản ứng phụ tương đương như tiêm từng loại vắc-xin riêng lẻ. Phản ứng sau tiêm cũng đến từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cơ địa của người được tiêm, không phụ thuộc vào việc tiêm phòng bao nhiêu mũi.

Đồng thời, tiêm cùng lúc các loại vắc-xin vẫn đạt được đáp ứng miễn dịch tốt, không gây nên các phản ứng bất lợi, nghiêm trọng. Hơn nữa, việc tiêm các vắc-xin riêng lẻ ở những vị trí khác nhau cùng lúc cho đáp ứng miễn dịch dễ dàng hơn tiêm trong cùng một mũi tại một vị trí (sử dụng vắc-xin phối hợp).

Nhà sản xuất vắc-xin Sanofi Pasteur cũng khẳng định: Không ghi nhận tác dụng phụ như sốt cao hơn, quấy khóc hơn, gia tăng hoặc suy giảm miễn dịch ở trẻ khi được tiêm nhiều mũi vắc-xin cùng lúc. Chỉ cần vị trí tiêm khác nhau thì việc tiêm phòng nhiều mũi cùng lúc trong một ngày hoàn toàn không gây hại cho trẻ.

Tuy nhiên, việc chỉ định tiêm bao nhiêu loại vắc-xin cùng lúc cần phải phụ thuộc vào sức khỏe và thể trạng của trẻ. Và dù tiêm một hay nhiều mũi, phụ huynh cũng cần theo dõi trẻ liên tục trong 48 giờ sau tiêm, nếu có các phản ứng bất thường cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng mặc dù các loại vắc-xin có thể tiêm cùng lúc với nhau, ví dụ như vắc-xin thủy đậu và vắc-xin viêm gan siêu vi A nhưng vẫn nên tiêm mỗi lần một loại vắc-xin thì tốt hơn. Nguyên nhân vì nếu tiêm cùng lúc 2 vắc-xin thì khi không may xảy ra phản ứng dị ứng sẽ không xác định được là do vắc-xin nào gây ra để sau đó có biện pháp can thiệp phù hợp như ngừng tiêm sau này.

2.3 Một số loại vắc-xin có thể tiêm cùng lúc

vi-sao-me-nhiem-virus-viem-gan-b-van-toan-neu-cho-con-bu-2
Việc tiêm phòng 2 mũi hoặc nhiều mũi cùng lúc được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định ở thời điểm tiêm vắc-xin

Trừ một số trường hợp, việc tiêm đồng thời các vắc-xin sống và bất hoạt đều có đáp ứng miễn dịch và phản ứng phụ tương đương như việc tiêm vắc-xin riêng lẻ. Việc tiêm phòng 2 mũi cùng lúc hoặc nhiều mũi cùng lúc được khuyến cáo ở những trẻ không có chống chỉ định ở thời điểm tiêm vắc-xin. Một số loại vắc-xin có thể được tiêm đồng thời là:

  • Vắc-xin sởi – quai bị – rubella (MMR) và vắc-xin thủy đậu;
  • Vắc-xin phế cầu và vắc-xin cúm bất hoạt;
  • Vắc-xin cúm sống giảm độc lực, vắc-xin thủy đậu và vắc-xin MMR;
  • Vắc-xin viêm gan B và vắc-xin sốt vàng;
  • Vắc-xin uốn ván, vắc-xin ho gà vô bào, vắc-xin bạch hầu liều thấp và vắc-xin cúm bất hoạt;
  • Vắc-xin sởi và vắc-xin sốt vàng.

Mặc dù không có giới hạn chính xác về số mũi tiêm nhưng những liều tiêm ban đầu nên hạn chế, không tiêm quá nhiều mũi trong 1 lần tiêm phòng.

2.4 Biện pháp giảm đau khi tiêm phòng 2 hoặc nhiều mũi cho trẻ

  • Cho trẻ bú 10ml nước đường 25% khoảng 2 phút trước khi tiêm. Trong khi tiêm, bé vẫn được bú bằng núm vú giả hoặc bình bú và được cha mẹ ôm đến 6 phút sau khi tiêm để giảm đau;
  • Sử dụng miếng dán giảm đau ở vị trí tiêm trước khi tiêm 30 – 45 phút. Các hoạt chất sinh học có tính giảm đau sẽ giúp bé không có cảm giác đau đớn và không gây ảnh hưởng tới tác dụng của vắc-xin;
  • Kỹ năng chích không đau, giao tiếp với trẻ để giúp bé giảm sợ hãi, đau đớn khi tiêm ngừa;
  • Bố trí khu vui chơi sau tiêm để tạo tâm lý thoải mái, giảm cảm giác đau đớn cho trẻ khi phải tiêm nhiều mũi cùng lúc.

3. Tiêm 2 loại vắc-xin khác nhau cách nhau bao lâu?

co-toan-khi-tiem-vac-xin-viem-gan-b-cho-phu-nu-mang-thai-1
Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm phòng tùy thuộc vào từng loại vắc-xin

Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm phòng tùy thuộc vào từng loại vắc-xin. Về nguyên tắc, 2 vắc-xin sống giảm độc lực như vắc-xin thủy đậu, vắc-xin sởi – quai bị – rubella có thể tiêm cùng thời điểm ở 2 vị trí khác nhau trong cùng một buổi tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không lựa chọn tiêm phòng 2 mũi cùng lúc thì nên cách mũi tiêm với khoảng cách tối thiểu là 4 tuần. Đối với các vắc-xin bất hoạt như viêm não mô cầu, viêm gan B,… có thể tiêm cùng một thời điểm hoặc cách nhau 2 tuần.

Khoảng cách giữa các mũi vắc-xin được nhà sản xuất đưa ra dựa trên nhiều nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo người được tiêm chủng có đủ nồng độ kháng thể cần thiết để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. Khái quát lại, vắc-xin chỉ có khoảng cách tối thiểu và không có khoảng cách tối đa.

Qua những phân tích dựa trên chứng cứ khoa học và điều kiện thực tế, việc tiêm phòng 2 mũi cùng lúc hoặc nhiều mũi cùng lúc đều không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, đồng thời mang lại hiệu quả bảo vệ trẻ toàn diện hơn.

 

(Nguồn: Vinmec)

1900 27 27 21